logo

Bệnh viện giao thông vận tải

Sức khỏe của bạn - Sứ mệnh của chúng tôi

BẢO VỆ MẮT TRƯỚC CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ

         Hàng ngày, chúng ta thường xuyên sử dụng mắt để nhìn, để làm việc, học tập, giải trí, tham gia giao thông. Do đó, mỗi người đều cần biết cách để tự bảo vệ mắt của mình trong khi lao động, học tập và giải trí. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu những cách đơn giản thực hiện tại nhà để mọi người đều có đôi mắt khỏe mạnh hơn.

         Thế nào là nhìn gần:  Nhìn gần là khoảng cách mắt làm việc từ dưới 60cm (khoảng 1 cánh tay trở lại). Khi nhìn gần mắt phải điều tiết để thu nhận hình ảnh rõ nét. Nhìn gần thường là hoạt động của mắt trong các hoạt động đọc sách, viết lách, làm việc với máy tính, điện thoại, các mà hình điện tử khác và một số công việc đặc thù riêng.

         Nhìn gần quá lâu có tác hại gì: Nếu không được nghỉ ngơi đúng cách thì mắt phải làm việc liên tục gây nên mỏi mắt, mỏi điều tiết, rối loạn điều tiết, khô mắt. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị điện tử thì các vấn đề về mắt có liên quan đến các thiết bị điện tử ngày càng gia tăng do mắt phải nhìn gần quá lâu.

         Những cách đơn giản để giảm tác hại của việc nhìn gần quá nhiều:

        Cho mắt nghỉ ngơi: Làm việc với màn hình điện tử nên cho mắt nghỉ ngơi theo nguyên tắc 20-20-20 nghĩa là mắt nhìn gần 20 phút, nghỉ ít nhất 20 giây để nhìn xa 20 feet (tương đương 5 mét).

        Thứ tự ưu tiên của các thiết bị: sách giấy được ưu tiên hơn thiết bị điện tử. Màn hình lớn được ưu tiên hơn màn hình nhỏ. Khoảng cách từ màn hình máy tính đến mắt để khoảng 50-60cm. Độ sáng màn hình nên điều chỉnh theo thời gian trong ngày. Với điện thoại nên chọn chế độ night shift/night filter/night light.

        Chớp mắt: chớp mắt chủ động và thường xuyên khi làm việc gần để tránh bị khô mắt. Lớp phim nước mắt cần được bổ sung thường xuyên bằng việc chớp mắt.

        Massage mắt: nhắm mắt lại mỗi khi nghỉ ngơi chủ động và massage nhẹ nhàng vùng xung quanh mắt giúp mắt nghỉ ngơi, thư giãn.

        Sử dụng nước mắt nhân tạo: nước mắt nhân tạo có thể dùng bổ sung thêm mà không cần kê đơn. Loại nước mắt nhân tạo tốt là loại không có chất bảo quản.

       Cung cấp vitamin A: một số thực phẩm giàu vitamin A hoặc tiền tố vitamin A nên dùng trong bữa ăn hàng ngày như các loại hạt họ đậu, sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, cá, gan, các loại quả như xoài, dâu tây, đu đủ, nho, táo, cà rốt, cà chua, bí đỏ...

        Khám mắt định kỳ và những lưu ý: nên khám mắt mỗi 6-12 tháng hoặc khám ngay khi có biểu hiện bất thường. Khám kính và đeo kính đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt hoặc kỹ thuật viên khúc xạ được đào tạo bài bản. Tuyệt đối không tự ý tra bất kỳ thuốc nào có thành phần corticoid mà không có chỉ định và sự theo dõi của bác sĩ nhãn khoa.

        Tại Bệnh viện Giao thông vận tải, Khoa mắt đã và đang khám các bệnh lý về mắt, tư vấn phòng bệnh, điều trị bằng nội khoa và phẫu thuật cho bệnh nhân bảo hiểm và dịch vụ tại Hà Nội và các tỉnh thành khác. Thế mạnh của khoa bao gồm  ngoại khoa là phẫu thuật đục thể thủy tinh, mộng, quặm; nội khoa là khám và theo dõi các tật khúc xạ như cận-viễn-loạn, các bệnh lý thần kinh nhãn khoa, bệnh lý võng mạc đái tháo đường, bệnh lý võng mạc cao huyết áp và các bệnh lý liên quan bệnh hệ thống, bệnh chuyển hóa khác. Khoa Mắt luôn phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của khách hàng với chất lượng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng cao, thời gian chờ đợi ngắn nhất để trải nghiệm của khách hàng thật sự thoải mái, hài lòng.

Khoa Mắt – Bệnh viện Giao thông vận tải

Tầng 6 – Nhà M

(Nguồn ảnh: Internet).

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận