logo

Bệnh viện giao thông vận tải

Sức khỏe của bạn - Sứ mệnh của chúng tôi

SUY TIM – ĐIỀU TRỊ NỀN TẢNG VÀ NHỮNG XU HƯỚNG MỚI

   Suy tim là một hội chứng lâm sàng do biến đổi cấu trúc và/hoặc chức năng của tim do nhiều nguyên nhân bệnh học khác nhau. Hậu quả là tăng áp lực trong buồng tim và/hoặc giảm cung lượng tim khi gắng sức hay khi nghỉ. Suy tim là hậu quả sau cùng của các bệnh tim mạch, có xu hướng ngày càng tăng do tuổi thọ tăng, các bệnh lý nền như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch …đang gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Bệnh đang đe dọa lên sức khỏe cộng đồng không chỉ vì gia tăng tần suất bệnh mà còn do ảnh hưởng nặng nề của suy tim lên chất lượng cuộc sống người bệnh và chi phí xã hội dành cho nó. Ước tính tỷ lệ suy tim trong cộng đồng là 0,4 - 2% dân số, như vậy Việt Nam chúng ta với 90 triệu dân sẽ có khoảng 360.000 đến 1,8 triệu người bị suy tim.

    Ngày 26 tháng 8 năm 2022 trong chương trình sinh hoạt khoa học của Bệnh viện Giao Thông Vận Tải, Ths – Bs Phùng Đức Thúy – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực đã trình bày bài báo cáo khoa học với chủ đề “ Suy tim – Điều trị nền tảng và xu hướng mới”.

   Tham gia buổi sinh hoạt khoa học có TS. BS Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện và tập thể các y bác sỹ Bệnh viện Giao Thông Vận Tải.

Trong bài báo cáo khoa học Ths - Bs Phùng Đức Thúy đã trình bày cập nhật các định nghĩa suy tim cấp, suy tim mạn tính, phân loại suy tim là suy tim phân suất tống máu giảm, giảm nhẹ và phân suất tống máu bảo tồn. Bên cạnh đó Bs Thúy cũng trình bày  các giai đoạn suy tim theo Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ (American College of Cardiology/ACC) và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association/AHA). Suy tim là một bệnh tiến triển, điều này được nhấn mạnh qua phân loại giai đoạn A-D. Hướng dẫn đưa ra thuật ngữ mới thống nhất “nguy cơ cao” và “tiền suy tim”. Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ (giai đoạn A) hoặc tiền suy tim (giai đoạn B) được khuyến cáo dự phòng tiên phát suy tim thông qua thay đổi lối sống, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và bệnh đồng mắc. Suy tim liên quan nhiều đến chức năng thất trái. Hướng dẫn mới bao trùm tất cả các loại suy tim và phân loại suy tim theo phân suất tống máu như sau:

Phân loại suy tim

Phân suất tống máu

Suy tim phân suất tống máu giảm (Heart failure with reduced ejection fraction – HFrEF)

Phân suất tống máu thất trái (left ventricular ejection fraction – LVEF) ≤ 40%

Suy tim phân suất tống máu hồi phục (Heart failure with improved ejection fraction – HFimpEF)

LVEF trước đây ≤ 40% và cải thiện > 40% sau khi tái đánh giá

Suy tim phân suất tống máu giảm nhẹ (Heart failure with mildly reduced ejection fraction – HFmrEF)

LVEF 41-49%

Suy tim phân suất tống máu bảo tồn (Heart failure with preserved ejection fraction – HFpEF)

LVEF ≥50%

Trong vấn đề điều trị, ThS - Bs Phùng Đức Thúy trình bày rất chi tiết các cập nhật mới về các nhóm thuốc điều trị theo phác đồ hướng dẫn GDMT (guideline-directed medical therapy) gồm 04 nhóm thuốc là:

Trong đó ARNi hiện nay được khuyến cáo là thuốc ức chế hệ renin-angiotensin đầu tay để giảm tình trạng bệnh và tỷ lệ tử vong do HFrEF (khuyến cáo IA). ACEi được khuyến cáo khi ARNi không phù hợp, ARB được khuyến cáo khi bệnh nhân không dung nạp ACEi và việc dùng ARNi là không phù hợp. Ở bệnh nhân HFrEF có triệu chứng mà dung nạp được ACEi hoặc ARB, khuyến cáo thay thế bằng ARNi để giảm hơn nữa tình trạng bệnh và tỷ lệ tử vong. Các khuyến cáo mới về dùng SGLT2i cho bệnh nhân suy tim. Bệnh nhân HFrEF mạn tính có triệu chứng được khuyến cáo điều trị bằng SGLT2i để làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong do nguyên nhân tim mạch, dù bệnh nhân có mắc kèm đái tháo đường hay không (khuyến cáo IA). SGLT2i cũng có thể có lợi ở bệnh nhân HFmrEF và HfpEF (khuyến cáo IIA).

Phát biểu tổng kết sau  nội dung báo cáo, chủ trì buổi sinh hoạt khoa học TS. Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện đã cám ơn báo cáo viên đồng thời cũng đưa ra những kết luận quan trọng. Suy tim là bệnh lý thường gặp trên lâm sàng, tỉ lệ mắc bệnh gia tăng theo tuổi, dù đã được chẩn đoán và điều trị xong tỉ lệ tái nhập viện và tỉ lệ tử vong cao. Tối ưu hóa điều trị suy tim sẽ giảm ti lệ tử vong, giảm tỉ lệ tái nhập viện do suy tim. Điều trị theo khuyến cáo mới đồng thời bốn thuốc trước khi ra viện và theo dõi và tăng đến liều đích có thể dung nạp được sẽ làm giảm tỷ lệ tái nhập viện và tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên TS. Nguyễn Thị Thu Hiền cũng nhấn mạnh rằng việc điều trị suy tim phải được cá thể hóa với từng người bệnh và việc giáo dục sức khỏe cũng như theo dõi bệnh nhân trong quá trình điều trị là hết sức quan trọng.

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận